Nhà nước ta đang hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử: Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, đẩy mạnh học tập và ứng dụng internet trong nhà trường, các vùng nông thôn, trong thanh niên; Phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau; Xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính để từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giao tiếp với người dân; Xây dựng hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử; Phát triển hệ thống thanh toán dùng thẻ; Xây dựng các dự án điểm, các công thông tin để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận đến thương mại điện tử; Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để tạo sự thông thoáng cho hàng hoá và dịch vụ.
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg), thì mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển TMĐT đến năm 2010 như sau: Khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2B. Khoảng 80% có quy mô vừa và nhỏ tiến hành giao dịch TMĐT loại hình B2C hoặc B2B. Khoảng 10% hộ gia đình tiến hành giao dịch TMĐT loại hình C2B hoặc C2C. Các chào thầu mua sắm Chính phủ được công bố trên các trang tin của các cơ quan Chính phủ và ứng dụng giao dịch TMĐT trong mua sắm Chính phủ.