Đánh giá trình độ lao động ngành dệt may
Qua thực tế khảo sát tại 66 doanh nghiệp nói trên trình độ lao động ngành dệt may ở các thành phần kinh tế là rất khác nhau. Trình độ lao động ngành dệt may Tp. Hồ Chí Minh còn ở mức thấp. Qua khảo sát thực tế đa số các doanh nghiệp thiếu lao động có tay nghề cao, trình độ lao động trong doanh nghiệp không đồng đều điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bỏ lỡ mất cơ hội ký hợp đồng sản xuất những đơn hàng cao cấp có khả năng mang lại mức lợi nhuận cao.
Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất những mặc hàng bình thường của những khách hàng truyền thống vẫn bị tái chế hoặc bị phạt hợp đồng đôi khi bị từ chối nhận hàng do chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Điều này thể hiện rất rõ khi khảo sát ở 66 doanh nghiệp dệt may Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 28 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000,…
Đánh giá thực trạng trình độ lao động ngành dệt may Tp. Hồ Chí Minh, một số lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may thừa nhận: sở dĩ trình độ lao động ngành dệt may hiện nay ở mức thấp như vậy là do sự không đồng bộ giữa công tác đào tạo và thực tế đặt ra cho các doanh nghiệp. Sự phát triển của ngành dệt may thiếu sự hoạch định chi tiết ở cấp quốc gia cũng như cấp thành phố.
Từ đó dẫn đến sự mất cân đối trầm trọng giữa việc các doanh nghiệp cần đông về số lượng, cao về chất lượng nguồn nhân lực nhưng các doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến vấn đề đào tạo. Thực trạng trình độ lao động ngành dệt may Tp. Hồ Chí Minh đặt ra một thách thức rất lớn và gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp dệt may Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và của chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam nói chung.