Chỉ trong vòng 3 năm qua, hàng chục DN nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNĐT và thực tế họ đã rất thành công khi sản lượng XK mỗi năm đạt hàng trăm triệu USD. Theo thống kê của Hội Tin học Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2006, Canon XK đạt 650 triệu USD còn Fujitsu khoảng 500 triệu USD. Nhóm các công ty liên doanh có tên tuổi như Hanel, Panasonic hoặc nhóm các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ… có nhà máy tại khu chế xuất hoặc khu công nghiệp, chiếm khoảng vài trăm triệu USD.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, năm 2007, ngành CNĐT Việt Nam đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới như Foxcon (thuộc tập đoàn HonHai), Compaq… Dự báo, khi Intel chính thức đi vào sản xuất (nhà máy đặt tại khu công nghệ cao TPHCM), trị giá XK sẽ còn cao hơn nữa, có thể đạt ngưỡng vài chục tỷ USD/năm. Doanh nghiệp trong nước “bí” lối ra
Khác với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, số các DN trong nước sản xuất hàng điện tử XK rất ít và giá trị XK cũng chiếm không quá 10% so với tổng giá trị toàn ngành. Những DN trong nước có hàng XK như Công ty Viettronics Tân Bình (VTB) chuyên sản xuất linh kiện tivi, Công ty Điện tử Bình Hòa thuộc Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) chuyên gia công các sản phẩm điện tử dành cho xe hơi hay một số DN vừa và nhỏ khác chuyên về các loại linh kiện như bộ biến áp đèn dành cho ampli, loa…
Điều đáng nói là các DN này chỉ thuần túy ký hợp đồng nhỏ lẻ với đối tác nước ngoài để đem hàng về gia công, lắp ráp. Đơn cử, Công ty Viettronics Tân Bình được xem là DN năng nổ khi mang sản lượng XK đến khu vực Đông Nam Á tương đối khá cũng chỉ đạt 3,4 triệu USD/năm và chủ yếu là gia công; tăng trưởng hàng năm ở mức 5%. Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cũng cho rằng, nhược điểm của CNĐT Việt Nam là chưa xây dựng được những DN phụ trợ để tăng giá trị nội địa hóa.
Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO thì Tập đoàn Intel ( Mỹ) đã nâng vốn đầu tư từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD. Tiếp đến là Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) cũng đầu tư 1 dự án tại Bình Dương với số vốn 1 tỷ USD sản xuất đầu đọc quang học dùng cho đầu DVD, VCD và môtơ siêu nhỏ dùng trong máy ảnh, máy in… Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đầu tư vào Việt Nam tổng vốn 5 tỷ USD, trong đó riêng sản xuất linh kiện điện tử khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra còn Tập đoàn Meikom (Nhật Bản) đầu tư 300 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Tây…
Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sắp tới sẽ cấp phép đầu tư cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vào Khu công nghiệp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) với số vốn 650 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử.